Tính đến ngày 28.10,ỗilobữaănbántrútin giai tri có 5 trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP.Thủ Đức cùng được cung cấp suất ăn bởi công ty trên đã ngưng tổ chức ăn bán trú cho đến khi tìm được đối tác mới.
PHỤ HUYNH LÀ NGƯỜI PHÁT HIỆN
Người phát hiện và quay lại các video clip, chụp hình thực phẩm hư hỏng để chung trong tủ đông là một phụ huynh Trường tiểu học Phú Hữu, TP.Thủ Đức. Phụ huynh này có mặt trong đoàn kiểm tra của Trường tiểu học Phú Hữu đến kiểm tra định kỳ công ty cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh (HS) vào ngày 25.10.2023. Người này cũng mời ban giám hiệu nhà trường tới chứng kiến.
Điều này càng cho thấy vai trò của kiểm tra, giám sát bữa ăn bán trú, công ty cung cấp suất ăn bán trú, có sự tham gia của phụ huynh HS rất quan trọng.
Trao đổi với báo chí, ông Phan Thanh Phải, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Hữu, cho biết nhà trường sử dụng suất ăn bán trú được cung cấp bởi một công ty ở P.Long Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức đã lâu năm. Mỗi năm nhà trường đều có một số buổi kiểm tra định kỳ và đột xuất đơn vị cung cấp suất ăn. Đoàn kiểm tra luôn có đại diện phụ huynh.
Ông Phải cho biết ngay ngày 26.10, trường đã dừng ăn bán trú với các suất ăn được cung cấp bởi công ty trên. Nhà trường cho biết phụ huynh cùng đề xuất giới thiệu các bên đơn vị cung cấp suất ăn mới, để tuần này các đơn vị chức năng của TP.Thủ Đức, cùng với trường, phụ huynh sẽ kiểm tra năng lực của đơn vị đó có đầy đủ không thì mới ký hợp đồng, để tiếp tục thực hiện bán trú cho HS. Đồng thời, sắp tới dù ký với đơn vị nào, nhà trường cùng phụ huynh cũng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát đơn vị cung cấp suất ăn, đảm bảo an toàn cho HS.
CẦN THIẾT CÓ PHỤ HUYNH GIÁM SÁT BỮA ĂN BÁN TRÚ
Được cùng tham gia kiểm tra, giám sát bữa ăn bán trú của con em đang học tập ở trường là nhu cầu chính đáng của phụ huynh HS.
Anh H.G, phụ huynh có con học lớp 3, Trường tiểu học Phước Thạnh, TP.Thủ Đức (một trong 5 trường đang tạm ngưng tổ chức ăn bán trú cho HS cho tới khi tìm được nhà cung cấp suất ăn mới), cho biết việc giám sát bữa ăn bán trú cho HS, đặc biệt là trẻ mầm non và HS tiểu học, là vô cùng quan trọng vì các em đang ở độ tuổi non nớt, phụ thuộc phần lớn vào bố mẹ và nhà trường. Vì thế, cha mẹ, nhà trường, chính quyền địa phương cần quyết liệt quan tâm, giám sát bữa ăn bán trú, cũng là để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi cho các em.
Anh H.G cho hay phụ huynh như anh mong muốn việc giám sát bữa ăn bán trú của con ở trường nên được nhà trường phối hợp với hội phụ huynh HS thực hiện định kỳ hằng tuần tại trường và hằng tháng tại cơ sở cung cấp suất ăn. Định kỳ mỗi tháng, đại diện phụ huynh có thể đến giám sát tại cơ sở chế biến từ 1 đến 2 lần. Khi trường học ký hợp đồng với công ty cung cấp suất ăn nào thì cũng cần có điều khoản quy định nhà trường, ban đại diện cha mẹ HS kiểm tra, giám sát quá trình chế biến suất ăn ra sao…
"Việc giám sát thực tế bữa ăn tại trường và tại cơ sở cung cấp suất ăn bán trú một phần giúp nâng cao chất lượng bữa ăn cho các em HS. Ngoài ra còn là đảm bảo nguồn gốc sản phẩm - điều vô cùng quan trọng. Đơn vị cung cấp suất ăn cần đảm bảo nguồn gốc của hàng hóa, cần cung cấp được cho đoàn kiểm tra các hóa đơn, chứng từ mua bán hàng hóa tại các cơ sở có uy tín", anh H.G nêu ý kiến.
PHỤ HUYNH MUỐN ĐẾN ĐỘT XUẤT VÀO GIỜ ĂN CỦA HỌC SINH
Anh T.H, phụ huynh HS khối 7, Trường THCS L.Đ.C, TP.Thủ Đức, cho biết anh và rất nhiều phụ huynh mong được đến đột xuất vào giờ ăn của con để biết con ăn gì ở trường, số lượng, chất lượng ra sao và mong được ăn thử xem cơm như thế nào.
"Nhiều phụ huynh tâm tư là đến kiểm tra giờ ăn của con mà báo trước vài ngày hay một ngày thì không khách quan. Vì vậy, tôi mong nhà trường có thể công khai về chất lượng bữa ăn bán trú. Ví dụ 10 giờ 30 là giờ ăn trưa của HS thì 10 giờ hôm đó, ban đại diện cha mẹ HS có thể tới cổng trường, gọi điện cho nhà trường và được vào quan sát, ăn thử cơm trưa của các con để biết và yên tâm", anh T.H nói.
Anh T.H cũng cho biết con lớn của anh đã tốt nghiệp Trường THCS Trần Quốc Toản 1, TP.Thủ Đức. Ấn tượng của anh về ngôi trường này là cơm bán trú được khen ngon. "Hôm đó tôi đi đón con, đến trường thì biết con đang trong nhà ăn, dù tôi đến bất ngờ nhưng thầy cô giáo cũng vui vẻ chỉ tôi đi xuống nhà ăn. Đến nơi thấy các suất ăn của HS rất đầy đặn, cơm, thịt, rau, trái cây đầy đủ, cách làm của nhà trường như vậy khiến phụ huynh rất yên tâm về bữa ăn bán trú của con", anh T.H nói.
GIÁM SÁT BỮA ĂN BÁN TRÚ PHẢI THỰC CHẤT
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Nguyễn Tiến Hiểu, Đoàn luật sư TP.HCM, cho hay phụ huynh đăng ký cho con học bán trú là đã tin tưởng giao con của mình cho nhà trường quản lý. Nhà trường phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho HS. Trong đó, có trách nhiệm trong kiểm tra chất lượng bữa ăn bán trú, đảm bảo bữa ăn an toàn.
"Việc giám sát bữa ăn bán trú phải thực chất. Nhân viên y tế phải cùng giám sát. Với các công ty đặt suất ăn bán trú từ đơn vị cung cấp suất ăn, để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, tôi nghĩ mỗi nhà trường có thể cử nhân viên y tế trường học xuống cơ sở cung cấp thức ăn để kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra lưu mẫu, chụp khuôn viên chế biến…", luật sư Hiểu nói. Bên cạnh đó, theo luật sư Hiểu, những đơn vị cung cấp suất ăn bán trú nếu làm sai, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, cần phải xem xét xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật để làm gương cho các cơ sở cung cấp suất ăn khác.
Kiểm tra bếp ăn, cơ sở cung cấp suất ăn trường học tại TP.Thủ Đức
UBND TP.Thủ Đức đã có Công văn số 555 do Phó chủ tịch UBND TP.Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng ký về kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn TP.Thủ Đức, việc kiểm tra diễn ra xuyên suốt năm học 2023 - 2024.
Đối tượng kiểm tra là: Cơ sở bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn TP.Thủ Đức; cơ sở cung cấp suất ăn trong trường học; các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các nguyên liệu, phụ gia, bao bì... được sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trên địa bàn; các cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay; cơ sở có đơn phản ánh, khiếu nại về an toàn thực phẩm…
Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra sẽ rà soát giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với những cơ sở thuộc diện phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm); kiểm nghiệm nước sử dụng trong chế biến; kiểm tra hợp đồng mua bán, hóa đơn chứng từ mua vào, hồ sơ công bố/tự công bố sản phẩm, giấy tờ liên quan đến nguyên liệu, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; công tác lưu mẫu; sổ thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước; các hồ sơ pháp lý và nội dung khác theo yêu cầu của các thành viên tham gia đoàn kiểm tra…